Không cần điểm lại thời kỳ xa xưa của Trường Huấn luyện với Kim Liên, Bảo Oanh, Lệ Bình… chỉ khoảng 20 năm về trước, Thủ đô là đất phát của các đội bóng chuyền mạnh, thường xuyên cung cấp cho tuyển quốc gia những hảo thủ. Hồi đó, đội nam với tên gọi Bưu điện Hà Nội được xem như “Seaprodex Thủ đô” với những gương mặt đáng nhớ như Nguyễn Tuấn Kiệt, Nguyễn Hùng Mạnh, rồi Sỹ Hòa (5), Nguyên Hòa (7), Trọng (8), Hùng Cường (9)… đã “xưng hùng” và làm mưa làm gió nhiều năm và có đến 4 cầu thủ được lên tuyển. Đội bóng chuyền phái đẹp còn oách nữa với những cái tên Hà Thu Dậu, Phạm Thị Rệt, Chu Minh Tám, Trần Thị Hương, Thu Hạnh, Thanh Hoa, Phương Lan, Đặng Thị Hồng, Thúy Nga, Bích Ngọc… cũng làm điêu đứng bao đối thủ tứ xứ.
Khi lên tuyển, lần lượt Thu Dậu và Thanh Hoa đã được trao băng đội trưởng, còn Nguyễn Tuấn Kiệt và Đặng Thị Hồng từng được xem là tay chuyền hai số một của hai đội tuyển bóng chuyền nam nữ Việt Nam trong nhiều năm. Năm tháng trôi đi, cả 2 đội nam nữ của Hà Nội xem như mất phiên hiệu, cầu thủ tan đàn xẻ nghé. Đa số đều đã giải nghệ, trừ mấy trường hợp hy hữu: lão tướng Thu Dậu, chuyền hai Nguyễn Tuấn Kiệt chuyển qua huấn luyện cho Ngân hàng Công thương, Thanh Hoa nay đã là cán bộ của Liên đoàn BCVN, còn HLV Nguyễn Mạnh Hùng sau nhiều năm phiêu bạt quay lại cắm trại ở đất Hoa Lư.
Đội bóng chuyền nữ Hóa chất Đức Giang Hà Nội với mục tiêu thăng hạng tham dự sân chơi cao nhất của BCVN.
Làn gió mới Hóa chất Đức Giang Hà Nội
Không nhà tài trợ, chế độ bèo bọt, thời hoàng kim của bóng chuyền Hà Nội đã lụi tàn. Thủ đô gần như điểm trắng của bóng chuyền đỉnh cao và người dân nơi đây chỉ còn biết chờ xem các cuộc chơi của người thiên hạ, điều này khiến các nhà quản lý bóng chuyền Thủ đô không khỏi day dứt, bao giờ Hà Nội mới tái xuất, mới lại xuất hiện những gương mặt VIP ở môn thể thao phổ biến này?
Và rồi, cái gì đến cũng phải đến, Công ty Cổ Phần Bột giặt và Hóa Chất Đức Giang đã đến với đội bóng nữ Hà Nội như một làn gió mát thổi vào làng bóng chuyền vốn đang khô khan bởi rất nhiều mạnh thường quân đang quay lưng hoặc bỏ chạy.
Việc làm đầu tiên của ông bầu đội bóng này chính là việc bung ra số tiền lớn để chuyển nhượng đội 1, tăng chế độ lương, thưởng lo công ăn việc làm cho các VĐV. Tiếp đó, là đưa về ngắn hạn nhiều VĐV có trình độ ở các đội bóng mạnh như: Phạm Thị Thắm, Vũ Thị Nga (NHCT) hay libero Đặng Thị Thoan (Thông tin Liên Việt Postbank).
Với 2 trận toàn thắng trước hai đối thủ mạnh nhất giải là Giấy Bãi Bằng và Đắk Lắk tại vòng chung kết A1 toàn quốc, Hóa chất Đức Giang Hà Nội đang tràn đầy cơ hội giành suất duy nhất lên chơi tại Giải bóng chuyền VĐQG 2017. Mục tiêu xa hơn của đội bóng này chính là việc duy trì được thứ hạng, chiêu mộ thêm các HLV chất lượng, thuê chuyên gia Nhật Bản cho công tác đào tạo trẻ, lọt vào top 4 đội bóng mạnh nhất của bóng chuyền Việt Nam.
Theo dõi bóng chuyền Thủ đô nhiều năm qua, khát khao của người hâm mộ nơi đây chính là việc phải có sự đầu tư mạnh mẽ xây dựng lại môn chơi được quan tâm và yêu thích bậc nhất này. Mong mỏi hơn, là trong một ngày không xa bóng chuyền Hà Nội với thương hiệu Hóa chất Đức Giang sẽ đại diện góp mặt tại sân chơi lớn nhất cả nước, khán giả được theo dõi các giải đấu lớn trên sân nhà sẽ trở thành hiện thực.
Theo volleyball.vn